Giảm thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Đồng tình với dự thảo mà Bộ Tài chính đang trình Chính phủ về phương án giảm thuế đối với DN vừa, nhỏ và DN khởi nghiệp, các DN đều có chung nhận định, việc giảm thuế suất thuế TNDN sẽ giúp Việt Nam đảm bảo tính cạnh tranh và thu hút đầu tư so với các nước trong khu vực.
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ đề xuất trình Quốc hội phương án giảm thuế suất thuế TNDN với DN vừa và nhỏ về mức 15% hoặc 17% (thuế suất phổ thông hiện hành là 20%). Theo đánh giá của nhiều DN, một mức thuế suất hợp lý sẽ giúp DN có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư mở rộng SXKD, giảm bớt phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, tiết kiệm được chi phí kinh doanh, từ đó giảm giá thành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư.
Trên thực tế, các nước có số lượng DN nhỏ và vừa chiếm đa số trong nền kinh tế như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore đều rất quan tâm đến sự phát triển của thành phần kinh tế này. Theo đó, các quốc gia đã đưa ra nhiều loại hình hỗ trợ phát triển DN thông qua việc hình thành các quỹ hoặc cho vay ưu đãi. Đặc biệt, khi thực hiện các hình thức ưu đãi thuế, các quốc gia đều gắn với điều kiện về các tiêu chí thu nhập, công nghệ, giải quyết việc làm… của DN. Chẳng hạn tại Hàn Quốc, mức thuế suất thuế TNDN đối với DN vừa và nhỏ dao động từ 10-22% tùy theo mức thu nhập của DN. Ở Pháp, DN có doanh thu trước thuế dưới 7.630.000 Euro và có thu nhập chịu thuế dưới 38.120 Euro sẽ áp dụng mức thuế suất 15%. Ở Việt Nam hiện nay, số lượng DN vừa và nhỏ chiếm trên 90% tổng số DN đang hoạt động và giữ một vị trí không thể thay thế trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội. Do đó, nhằm giúp các DN Việt Nam, đặc biệt là DN vừa và nhỏ vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất và phát triển, không thể không tiếp tục những chính sách hỗ trợ, đặc biệt là giảm thuế.
Trước hai phương án của Bộ Tài chính đưa ra, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa đề nghị Chính phủ chọn phương án giảm thuế xuống còn 15% bởi phương án 17% chưa hỗ trợ được nhiều cho DN, trong khi nhiều DN nhỏ và vừa hiện đã có dấu hiệu đuối sức. Từ góc độ của DN, ông Đỗ Hồng Thái, Giám đốc Công ty cổ phần kết cấu thép Vsteel cho rằng, với DN nhỏ tiềm lực tài chính có hạn thì việc giảm thuế dù ít hay nhiều đều có ý nghĩa không nhỏ. “Còn đối với DN vừa có doanh thu vài chục tỷ đồng/năm, khoản tiền vài trăm triệu tới 1 tỷ đồng tiết kiệm từ việc giảm thuế sẽ được dùng để tái đầu tư sản xuất, bù vào giá thành sản phẩm, nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh cho DN” - ông Thái phân tích.
Khuyến khích DN khởi nghiệp
Cùng với dự thảo giảm thuế suất thuế TNDN cho DN vừa và nhỏ, Bộ Tài chính cũng đồng thời trình Chính phủ phương án giảm thuế suất thuế TNDN để khuyến khích DN khởi nghiệp. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, hiện nay chưa có một định nghĩa rõ ràng về DN khởi nghiệp. Tuy nhiên, về cơ bản đây là một tổ chức nhằm cung cấp sản phẩm và dịch vụ trong điều kiện không chắc chắn nhưng vẫn góp phần tạo ra tăng trưởng kinh tế, nên ở một góc độ nào đó DN khởi nghiệp cũng tham gia vào việc phát triển kinh tế xã hội. Vì ý nghĩa này, hiện Chính phủ và các cơ quan quản lý đang đẩy mạnh và khuyến khích các cá nhân, tổ chức khởi nghiệp. Do đó, đối với những DN mới thành lập mà đáp ứng đủ các điều kiện để hưởng hỗ trợ từ giải pháp giảm thuế suất thuế TNDN đối với DN nhỏ và vừa, sẽ được hưởng những ưu đãi tương ứng. Đối với những DN khởi nghiệp không ở các địa bàn ưu đãi thuế, không đáp ứng các lĩnh vực khuyến khích đầu tư hiện hành, để hỗ trợ DN phát triển, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ đề xuất trình Quốc hội hai phương án, áp dụng thuế suất phổ thông 17% hoặc 15% từ 1/1/2016 đến hết năm 2020.
Bà Hoàng Thị Hạnh, Giám đốc Công ty CP Hoàng Thanh - một DN khởi nghiệp được hai năm nay nhận định: với những DN siêu nhỏ và DN khởi nghiệp, việc giảm thuế, thậm chí miễn thuế cũng không có ý nghĩa mấy bởi nhiều DN hiện đang rất khó khăn, kinh doanh không có lãi, thua lỗ triền miên. Tuy nhiên, các DN vẫn đánh giá cao động thái này của Bộ Tài chính, bởi các DN nhỏ có trụ vững và đi lên thì dần mới có được những đầu tàu của khối DN cũng như có một cộng đồng DN vững mạnh. Vì thế, về lâu dài DN không chỉ cần nỗ lực của Bộ Tài chính mà còn cần sự chuyển động của nhiều bộ ngành khác để có những giải pháp đồng bộ hỗ trợ DN “ươm mầm” thành công và đứng vững trước thử thách của thương trường.
Nguồn: http://www.gdt.gov.vn/
XEM THÊM
- Mua chữ ký số Viettel ở đâu giá rẻ và hỗ trợ tốt?
- Phương thức thanh toán khi mua chữ ký số Viettel
- Chuyển đổi sang chữ ký số Viettel
- Ngành Hải quan hướng tới mục tiêu "phi giấy tờ" trong năm 2022
- Tăng cường quản lý thuế với xe ô tô, xe gắn máy nhập khẩu, tạm nhập khẩu
- Bốn doanh nghiệp cung cấp chữ ký số bị buộc tạm ngừng phát triển thuê bao mới
- Chữ Ký Số Viettel 1 Năm【Bảng Giá Khuyến Mãi 2023】
- Chữ Ký Số Viettel 2 Năm【Bảng Giá Khuyến Mãi 2023】
- Chữ Ký Số Viettel 3 Năm【Bảng Giá Khuyến Mãi 2023】
- Danh Sách Mạng Xã Hội của Website caviettel.com