Mới đây, Facebook đã đóng 4,17 triệu bảng tiền thuế doanh nghiệp tại Anh trong năm ngoái, tăng mạnh so với mức đóng vỏn vẹn 4.327 bảng tiền thuế trong năm 2014. Mức đóng thuế tăng cao đột biến của Facebook cho thấy công ty đã thay đổi cách tính doanh thu quảng cáo tại “xứ sở sương mù” sau khi bị công luận chỉ trích.
Thông tin này lại một lần nữa làm dấy lên câu hỏi về vấn đề thu thuế của các ông lớn Google, Facebook ở Việt Nam - nơi mà các công ty này thu về mỗi năm hàng trăm triệu USD.
Doanh thu nghìn tỷ, đóng thuế vài đồng
Trong làng marketing Việt, quảng cáo Google, Facebook cho thấy là một trong những công cụ quảng cáo trực tuyến hiệu quả và được sử dụng nhiều nhất. Chính vì vậy, chi phí của các doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến đang ngày càng tăng.
Cụ thể, riêng doanh thu của Google, Facebook tăng chóng mặt, lên đến lần lượt 65 triệu USD và 80 triệu USD trong năm 2014. Năm 2015, doanh thu của Google tại Việt Nam ước khoảng 100 triệu USD, trong khi Facebook là 140 triệu USD.
Theo một vị chuyên gia, nếu có thể đánh thuế đầy đủ từ giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp hay thuế nhà thầu, ước tính nếu thu đủ số thuế phải nộp từ hoạt động này ngân sách nhà nước sẽ có thêm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, cho tới nay, con số cụ thể về khoản thuế thu được từ hoạt động quảng cáo của Google hay Facebook tại Việt Nam chưa từng được cơ quan thuế công bố.
Tại hội nghị thuế gần đây, lãnh đạo Cục Thuế TPHCM, thừa nhận theo quy định, các đại lý của Google, Facebook tại Việt Nam phải có nghĩa vụ khấu trừ thuế khi thanh toán với đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, việc thu thuế những công ty này rất phức tạp, vì có yếu tố trong và ngoài nước.
Điều quan trọng nhất là cơ quan thuế chưa quản lý được hoạt động của những đơn vị có hoạt động xuyên biên giới tại Việt Nam, do các công ty này không có chi nhánh tại Việt Nam, chỉ có đại diện tại Việt Nam. Nơi nhận tiền thanh toán là tài khoản nước ngoài, cơ quan thuế cũng chưa hình dung được muốn đánh thuế, thu thuế thì phải đánh vào đâu?
Nói về vấn đề này, trao đổi tại toạ đàm về quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam cuối tháng trước, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cũng cho hay: "Hiện, tại Việt Nam có rất nhiều hình thức kinh doanh từ các tập đoàn nước ngoài, doanh nghiệp đa quốc gia, doanh nghiệp ngoại có yếu tố sử dụng dịch vụ để khai thác doanh thu. Phần lớn các hình thức này chủ yếu cung ứng dịch vụ trên nền tảng internet, điện thoại để cung ứng hàng hóa, dịch vụ rồi thu tiền qua visa, thẻ tín dụng của các ngân hàng. Việc quản lý này hiện nay rất phức tạp".
Theo bà Cúc, thời gian qua, Hà Nội và TPHCM đã thanh tra các doanh nghiệp và các loại hình kinh doanh thương mại điện tử qua biên giới, xuyên biên giới và đã thu được số thuế nhất định. Tuy nhiên, về cơ chế chính sách, chúng ta chưa xây dựng hoàn chỉnh, chưa có chính sách chung bắt buộc phải nộp thuế và có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Các hình thức thu thuế vẫn chủ yếu là tổ chức, cá nhân tự khai, tự tính và tự nộp cho Nhà nước. Do đó, không tương xứng với doanh thu, lợi nhuận họ khai thác, gây bất bình đẳng trong chính sách thuế.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện CIEM cũng cho rằng, thực chất các doanh nghiệp hoạt động TMĐT đã và đang hoạt động kinh doanh thu lợi từ các nước khác để đem về nơi đặt trụ sở kinh doanh. Họ thu tiền từ quốc gia này đem về quốc gia kia, hình thức kinh tế sẻ chia này đang phát triển và gây đau đầu cho các cơ quan thuế ở nhiều quốc gia.
Muốn thu được thuế cần phải "rắn"
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết: Về chính sách, hiện nay các nhà thầu nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam nhưng có doanh thu kiếm được từ Việt Nam, có thu nhập phát sinh từ Việt Nam thì các đơn vị trả tiền cho các nhà thầu nước ngoài thì sẽ phải khấu trừ thuế cho ngân sách nhà nước.
Trước đó, cơ quan thuế đã rất nhiều lần khẳng định, Google hay Facebook phải nộp thuế ở Việt Nam và người nộp thuế thay là phía đối tác theo các quy định của thuế nhà thầu. Tuy nhiên, việc các đại lý quảng cáo, cá nhân chạy quảng cáo trực tiếp không đăng ký và không khấu trừ tiền thuế trước khi trả tiền dẫn đến thất thoát tiền thuế cho ngân sách nhà nước.
Đối với hành vi này, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, với các trường hợp không nộp loại thuế này, khi kiểm tra kế toán phát hiện ra thì trường hợp không khấu trừ đó chính là người nộp thuế sẽ bị xử phạt từ 1-3 lần số thuế theo quy định theo pháp luật. Hay nói cách khác đây cũng là hành vi “trốn thuế” và người nộp thuế cũng bị phạt 1-3 lần. Bên cạnh đó, khoản chi phí này cũng sẽ không chấp nhân khấu trừ vào chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nói thêm rằng, mặc dù có quy định về thuế nhà thầu, song nhìn từ một góc độ khác thì thấy rõ Google, Facebook… vẫn chưa có ý định đóng góp thuế cho Việt Nam khi cho đến nay vẫn không chịu lập pháp nhân tại Việt Nam. Ngoài ra, kể từ khi hoạt động đến nay, tất cả cũng chỉ đóng góp chút ít tiền "thuế nhà thầu" nhưng cũng chỉ là trên danh nghĩa, vì thực tế họ ép các đại lý quảng cáo Việt Nam đóng thay ở mức 10%.
Để thu thuế giá trị gia tăng Việt Nam có thể Việt Nam sẽ cần theo chân các nước châu Âu xác định rõ các tập đoàn đa quốc gia khi cung ứng dịch vụ xuyên biên giới thì thuế sẽ thu theo vị trí địa lý của người tiêu dùng chứ không phải phụ thuộc vào nơi đóng trụ sở của các tập đoàn này.
Ví dụ Anh thay đổi cách tính thuế theo hướng này từ đầu năm 2015 đối với các dịch vụ kỹ thuật số. Theo đó, Anh đặt ra điều luật với tên gọi "thuế của Google" để áp dụng nhằm ngăn chặn những công ty công nghệ Mỹ như Google và Facebook trong việc trốn tránh các khoản thuế trong nước. Được biết, điều luật này sẽ tính thuế trực tiếp lên các sản phẩm và dịch vụ số bán ra của các công ty này ở mức 25%, tức cao hơn thuế doanh nghiệp thông thường.
Chính phủ Anh trong vài năm gần đây đã luôn cố gắng lật tẩy các chiêu bài được những công ty công nghệ Mỹ sử dụng nhằm trốn hoặc giảm bớt tiền thuế. Trong tháng 1 đầu năm nay, Anh đã yêu cầu Google phải trả số tiền thuế lên tới 130 triệu bảng, đồng thời đưa ra quy định buộc các công ty bán hàng như Amazon phải đặt văn phòng tại Anh và chịu thuế thu nhập.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực thuế: “Có thể thấy với tình hình hiện nay, việc Việt Nam “học tập” những biện pháp cứng rắn của Chính phủ các nước khác chỉ là vấn đề sớm hay muộn mà thôi. Tuy nhiên, việc truy thu thuế của các cá nhân đang chạy quảng cáo hiện nay ở Việt Nam đang trong tình trạng “thả gà ra đuổi”. Vì vậy nếu có xử phạt hay truy cứu trách nhiệm hình sự thì các đại lý quảng cáo của Google hay Facebook sẽ là những nơi bị “sờ gáy” đầu tiên”.